Thị trường Việt Nam mở đầu phiên giao dịch với các thông tin: Hàng không kỳ vọng mở lại đường bay quốc tế, cán cân cung cầu thịt heo hơi đã đảo chiều? Các quỹ ETF nội hút dòng tiền trở lại… Dưới đây là nội dung chi tiết thông tin mới hôm nay thứ Tư ngày 27/10.

1. Hàng không kỳ vọng mở lại đường bay quốc tế

Theo đề xuất mở lại hoạt động bay quốc tế có chở khách được Cục Hàng không Việt Nam trình Bộ GTVT để chuẩn bị nội dung tham dự cuộc họp của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam với các địa phương, bàn về phương án đón khách du lịch quốc tế trong tình hình mới, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị mở lại thị trường theo 4 bước:

  • Giai đoạn I sẽ bắt đầu ngay từ quý IV/2021, với việc khôi phục các chuyến bay trọn gói (combo); đối tượng là công dân Việt Nam với thị trường dự kiến triển khai là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Pháp, Đức, Nga, Australia và các thị trường khác khi có nhu cầu luân chuyển lao động. Hình thức triển khai được đề xuất là các hãng hàng không Việt Nam cùng đối tác (doanh nghiệp lữ hành) tổ chức chuyến bay trên cơ sở văn bản đồng ý của địa phương cho tiếp nhận cách ly tập trung có thu phí tại cơ sở cách ly do địa phương phê duyệt với chi phí trọn gói gồm: vé máy bay, xét nghiệm Covid-19, khách sạn cách ly và ăn uống trong 7 ngày (đối với chuyến bay chở toàn bộ hành khách đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19, hoặc có chứng nhận khỏi bệnh Covid-19) hoặc 14 ngày (đối với chuyến bay khác), phương tiện mặt đất đón về khách sạn cách ly. Các cảng hàng không tiếp nhận chuyến bay là Vân Đồn, Đà Nẵng, Cam Ranh và các cảng hàng không khác (trên cơ sở đồng ý của UBND các tỉnh/thành phố có điều kiện tiếp nhận hành khách đến từ các cảng hàng không trên).
  • Giai đoạn II từ tháng 1/2022, với nhiều quy định được nới lỏng sẽ bắt đầu bằng các chuyến bay thường lệ chỉ chở khách có giấy chứng nhận đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 hoặc có xác nhận khỏi bệnh Covid-19 vào Việt Nam, mà không yêu cầu có văn bản đồng ý cho vào Việt Nam của các cơ quan chức năng (trừ các yêu cầu về xuất nhập cảnh và kiểm soát y tế). Thị trường triển khai thực hiện ban đầu là các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Pháp, Đức, Nga, Australia và các thị trường an toàn khác không nằm trong khuyến cáo hạn chế nhập cảnh theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Tần suất ban đầu là 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên.
  • Giai đoạn III dự kiến triển khai từ tháng 4/2022 với các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam, không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh khi áp dụng cơ chế “hộ chiếu vắc-xin”. Theo Cục Hàng không Việt Nam, đối tượng tham gia chuyến bay trong giai đoạn này là công dân Việt Nam và nước ngoài có giấy chứng nhận đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 hoặc có xác nhận khỏi bệnh Covid-19. Thị trường triển khai thực hiện sẽ theo nhu cầu của các hãng hàng không; tần suất ban đầu là 7 chuyến/tuần/chiều cho mỗi hãng hàng không. Hành khách sau nhập cảnh phải cài đặt, khai báo điện tử theo ứng dụng kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam và tự cách ly tại nơi cư trú từ 3 đến 7 ngày (theo hướng dẫn của Bộ Y tế).
  • Giai đoạn IV, khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ theo nhu cầu từ tháng 7/2022, đối tượng tham gia chuyến bay là công dân Việt Nam và nước ngoài đáp ứng các yêu cầu của cơ quan y tế Việt Nam tại thời điểm áp dụng. Thị trường triển khai thực hiện sẽ theo nhu cầu của các hãng hàng không; tần suất khai thác không hạn chế, theo nhu cầu của các hãng hàng không.

2. Cán cân cung cầu thịt heo hơi đã đảo chiều?

Sau một thời gian dài giá heo hơi chạm đáy, có thời điểm chỉ hơn 30.000 đồng/kg, những ngày trở lại đây, giá heo hơi liên tục tăng giá với mức tăng trong khoảng 1.000 – 5.000 đồng/kg.

Tại Đồng Nai, đà tăng mạnh cũng đang diễn ra, giá heo hơi đứng ở mức 46.000 – 48.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 10.000 đồng/kg so với ba ngày trước đó. Giá heo hơi ở mức 48.000 đồng/kg chủ yếu là với heo của các công ty chăn nuôi điều chỉnh tăng lên.

Trước đó, trong ba ngày liên tiếp từ ngày 23 – 25/10, doanh nghiệp này cũng tăng giá heo hơi mỗi ngày, tổng ba lần tăng từ 5.000 – 6.500 đồng/kg. Như vậy, trong 4 ngày qua, giá heo hơi của công ty này tăng gần 10.000 đồng/kg lên mức 48.000 đồng/kg (bỏ chiết khấu), tiến gần mốc 50.000 đồng/kg.

Việc các công ty lớn liên tục điều chỉnh tăng giá heo hơi khiến các thương lái cũng tranh đưa ra mức giá hấp dẫn để gom heo.

Ghi nhận trên thị trường tự do, giá heo hơi hôm nay (26/10) tại nhiều địa phương cũng duy trì đà tăng mạnh với mức điều chỉnh tăng 5.000 – 12.000 đồng/kg, mức giá dao động từ 44.000 – 51.000 đồng/kg. Mức giá này đã tăng 11.000 – 16.000 đồng/kg so với cách đây 4 ngày, khi đà giảm bắt đầu đảo chiều.

3. Các quỹ ETF nội hút dòng tiền trở lại

Trong bối cảnh khối ngoại miệt mài bán ròng trên TTCK Việt Nam. Tính từ đầu tháng 10, khối ngoại đã bán ròng gần 7.000 tỷ đồng trên sàn HoSE, qua đó nâng lượng bán ròng từ đầu năm 2021 tới nay lên 48.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các quỹ ETF nội lại liên tiếp hút vốn trong thời gian gần đây.

SSIAM VNFIN LEAD ETF (HM:FUESSVFL) cũng có tín hiệu tích cực khi hút ròng 174 tỷ đồng. Trong khi đó, quỹ ETF mới tháng lập trong tháng 10 vừa qua là IPAAM VN100 ETF cũng hút ròng tổng cộng 53 tỷ đồng (bao gồm 52 tỷ đồng IPO). Các quỹ ETF khác như SSIAM VN30 ETF (HM:FUESSV30) hay MAFM VN30 ETF (HM:FUEMAV30) cũng hút ròng lần lượt 5,5 tỷ đồng và 21 tỷ đồng trong tháng.

Quỹ ETF nội duy nhất bị rút ròng từ đầu tháng 10 tới nay là DCVFM VNDiamond ETF với giá trị 54 tỷ đồng. Tuy vậy, áp lực rút vốn chủ yếu diễn ra vào đầu tháng 10, trong khi những ngày gần đây dòng vốn đã trở lại với DCVFM VNDiamond ETF.

Tính chung từ đầu tháng 10 tới nay, các quỹ ETF nội đã hút ròng tổng cộng 478 tỷ đồng, nâng số vốn hút ròng lũy kế từ đầu năm tới nay lên 4.428 tỷ đồng. Đây là con số khá tích cực khi mà nhiều quỹ ETF ngoại bị rút vốn mạnh như FTSE Vietnam ETF (rút hơn 1.600 tỷ đồng sau 10 tháng) hay KIM Kindex Vietnam ETF (bị rút hơn 1.800 tỷ đồng).

https://vn.investing.com/news/stock-market-news/hang-khong-ky-vong-mo-lai-duong-bay-quoc-te-thi-truong-viet-nam-2710-1963722