Vào sáng ngày thứ 4, ngày 21 tháng 12, tỷ phú Elon Musk đã chính thức lên tiếng sau cuộc khảo sát đầy tranh cãi.

Elon Musk cho biết ông sẽ từ chức giám đốc điều hành Twitter sau khi tìm được người thay thế. Ông sẽ chỉ điều hành nhóm phần mềm và máy chủ của mạng xã hội này.

Trước đó, tỷ phú Elon Musk đã lập bảng khảo sát liệu ông có nên từ chức vị trí lãnh đạo hay không? Hơn 17,5 triệu người dùng đã tham gia bỏ phiếu và 57,5% cho rằng Elon Musk nên từ chức.

Elon Musk tuyên bố sẽ từ chức CEO Twitter - Ảnh 1.

 

Từ khi tiếp quản mạng xã hội này, Elon Musk luôn ở “đầu sóng ngọn gió” khi liên tục có những quyết sách và phát ngôn gây phẫn nộ dư luận. Ngay khi vừa nắm quyền, vị CEO đã cho sa thải hàng nghìn nhân viên ở mọi bộ phận. Ông đưa ra yêu cầu vô lý như: một là ở lại, làm việc với cường độ cao để xây dựng một đế chế Twitter 2.0 mới, hai là bắt buộc nghỉ việc.

Cuối tháng 10, Twitter có 7.500 nhân viên nhưng sau ngày 4 tháng 11, con số này chỉ còn 3.700 người. Thậm chí, nhiều nhân viên bị sa thải chỉ vì nói xấu sau lưng Musk hay cãi lại lời vị tỷ phú này.

Khi quá nhiều nhân viên bị cho thôi việc một cách vô lý, nhiều giám đốc cấp cao của công ty cũng đã xin từ chức và rời khỏi công ty. Theo thông tin từ CNN, bà Lea Kissner – giám đốc phụ trách an ninh thông tin của Twitter đã trình đơn thôi việc sau khi Musk đưa ra hàng loạt các yêu cầu vô lý. Đây là một chức vị quan trọng không thể thiếu nhưng Elon Musk dường như đang “tàn phá” mọi nền tảng cấu trúc của Twitter.

Hay người điều hành các hoạt động tại Pháp của Twitter Inc, Damien Viel cũng đã xin thôi việc. Ông không nói chi tiết về lý do rời đi và từ chối cung cấp các thông tin rằng có bao nhiêu người mà Twitter đã tuyển dụng ở Pháp trước hoặc sau khi Elon Musk lên nắm quyền.

Khi làn sóng tranh cãi vẫn còn đỉnh điểm, Musk lại lập một bảng khảo sát hỏi người dùng “liệu mình có nên từ chức CEO Twitter hay không”. Dù kết quả đã ngã ngũ nhưng phải 2 ngày sau vị tỷ phú này mới lên tiếng xác nhận. Tuy nhiên, ông lại dùng từ “foolish” (ngu ngốc) để ám chỉ tân CEO trong tương lai. Dường như Musk đang “không cam lòng” trước kết quả này.

Hiện có một số cái tên tiềm năng cho chức vị tân CEO như: nhà đầu tư Jason Calacanis, David Sacks – một trong những người sáng lập PayPal cùng Musk, Sriram Krishnan – cựu giám đốc điều hành tại Twitter, Facebook, Snap và con rể của Donald Trump – Jared Kushner.

Ngoài 4 cái tên tiềm năng ở trên, nhiều phỏng đoán cho rằng sẽ còn nhiều ứng viên khác được chọn. Ví dụ: cựu giám đốc điều hành T-Mobile John Legere, nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo của Viện Công nghệ Massachusetts Lex Fridman và rapper Snoop Dogg (người có thể điều hành Twitter với sự giúp đỡ của Martha Stewart – nữ hoàng kinh doanh kiểu mẫu ở Mỹ) hay Tom Anderson – người sáng lập mạng xã hội MySpace.

Ngoài ra còn có một số ứng cử viên “cao cấp” khác. Ví dụ cựu COO Facebook Sheryl Sandberg và CTO Facebook Mike Schroepfer. Cả hai đều đã rời bỏ vai trò phụ trách của mình tại gã khổng lồ mạng xã hội vào đầu năm nay. Tuy nhiên việc thuyết phục họ đảm nhận vị trí CEO cho công ty “đầy hỗn loạn” như Twitter là một điều khó khăn.

Ngay cả Jack Dorsey, người sáng lập Twitter, hiện đang là CEO của công ty thanh toán kỹ thuật số Block – bạn của Musk cũng thừa nhận rằng ông sẽ không quay lại điều hành mạng xã hội này.

Twitter giờ đây như một “củ khoai lang” nóng bỏng tay. Tuy đã xác nhận sẽ từ chức ngay sau tìm được người phù hợp nhưng điều này sẽ được Musk thực hiện vào thời điểm nào vẫn còn là một ẩn số.

Tổng hợp

https://cafef.vn/elon-musk-tuyen-bo-se-tu-chuc-ceo-twitter-20221221092239943.chn