Căng thẳng địa chính trị đã biến quốc gia châu Á này trở thành hầm trú ẩn an toàn.

Ngay sau khi mở cửa vào 1 buổi sáng thứ Ba giữa tháng 12, showroom của Rolls-Royce tại khu phố Redhill của Singapore đã trở nên nhộn nhịp. Căng thẳng Mỹ – Trung vẫn leo thang, thị trường tài chính nhiều bất ổn, nguy cơ suy thoái kinh tế cận kề, nhưng đây lại là thời điểm hoàn hảo để đặt cọc 80.000 USD cho một chiếc Phantom màu hồng đậm.

Số lượng xe Rolls-Royce đăng ký tại Singapore đã tăng mạnh vào năm 2021 và tiếp tục đạt mức kỷ lục vào năm 2022. Hiện tại, danh sách chờ nhận xe kéo dài hàng năm trời. Theo nhân viên của showroom, những khách hàng mới chủ yếu đến từ Trung Quốc.

Theo nhiều ngân hàng, luật sư, kế toán và nhà đầu tư được Financial Times phỏng vấn, những cá nhân, gia đình, công ty riêng của Trung Quốc đang coi Singapore là “con tàu”, giúp họ vượt qua nhiều cơn bão sắp tới. Đồng thời, quốc đảo này đang trở thành một địa điểm ngày càng quan trọng nhằm kết nối với Phố Wall và các trung tâm tài chính toàn cầu.

Trung tâm tài chính mới của thế giới

Trong nhiều năm, Singapore tự tin rằng họ là Thụy Sĩ của châu Á. Một cựu quan chức hàng đầu nước này cho biết cuộc chiến tranh lạnh mới đã biến mục tiêu đó thành hiện thực. Drew Thompson – học giả vãng lai tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore, cho hay: “Đây là sự điều chỉnh về tài sản của người giàu có rất ấn tượng và mang tính thời đại ở châu Á. Dòng vốn di chuyển nhanh đến các địa điểm an toàn nhất, với ROR cao nhất. Ở châu Á, đó chính là Singapore.”

Sự thay đổi ở Singapore lại rất rõ ràng. Các thương vụ bất động sản của người mua đến từ Trung Quốc đang chiếm ưu thế, trong khi các trường quốc tế đang nhận được hàng trăm yêu cầu từ các ứng viên đại lục dù số lượng tuyển sinh không nhiều. Các nhà hàng Trung Quốc có sao Michelin có thể chỉ còn bàn trống vào tháng 4 tới.

Vị thế của Singapore là trung tâm tài chính của châu Á càng được củng cố khi giới nhà giàu Trung Quốc “đổ xô” đến. Ngoài ra, khoảng 500 doanh nghiệp đại lục đã đăng ký hoạt động tại thành phố này trong năm qua, chuẩn bị thực hiện các thương vụ đầu tư mạo hiểm từ trụ sở tại Singapore.

Theo đó, hoạt động của các nhà quản lý tài sản tư nhân và dịch vụ tài chính khác cũng được mở rộng hơn. Khi quy mô tăng lên, thì nhiều ngân hàng đầu tư lớn nhất của Mỹ, châu Âu và Nhân Bản sẽ điều chuyển nhân viên cấp cao của họ từ Hong Kong sang Singapore.

Theo Kia Meng Loh – đồng trưởng bộ phận quản lý tài sản tư nhân và văn phòng gia đình tại công ty luật Dentons Rodyk, nhiều khách hàng Trung Quốc đại lục vẫn coi Singapore là địa điểm đầu tư dài hạn an toàn hơn Hong Kong vì vài lý do. Đầu tiên là nền chính trị ổn định, kinh tế ổn định và vị thế trung tâm tài chính châu Á của họ ngày càng trở nên mạnh mẽ.

Singapore đã trở thành địa điểm thu hút người Trung Quốc từ thế kỷ 19. Hiện tại, gần 3/4 trong số 3,5 triệu người dân Singpore là người gốc Hoa. Xu hướng này càng phổ biến trong thời kỳ đại dịch, khi Trung Quốc thúc đẩy mục tiêu “thịnh vượng chung” thì một số người đã chuyển ra nước ngoài.

Giới nhà giàu Trung Quốc ồ ạt đổ tiền vào Thuỵ Sĩ của châu Á: Tại sao nơi này lại hấp dẫn đến vậy? - Ảnh 1.

Dòng vốn ròng đổ vào lĩnh vực AUM của Singapore (tỷ SGD).

Trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là phương Tây, “khó tính” hơn với các hoạt động đầu tư, kinh doanh của Trung Quốc thì tính trung lập, mức thuế thấp và tỷ lệ tham nhũng thấp ở Singapore đã khiến nơi này thành lựa chọn phù hợp.

Công ty tư vấn di cư đầu tư Henley & Partners cho biết số yêu cầu di cư của người dân Trung Quốc vào năm 2022 tăng 83% vào cuối tháng 11 so với cả 2 năm 2021. 2 địa điểm dẫn đầu là Hy Lạp và Bồ Đào Nha vì cung cấp “thị thực vàng”, cho phép cư trú mà không cần có thời gian sinh sống ở đó. Singapore đứng thứ 3.

Lĩnh vực rõ ràng nhất mà dòng vốn Trung Quốc đổ vào là các văn phòng gia đình, công ty quản lý tài sản tư nhân được thành lập cho các cá nhân giàu có và người thân của họ. Nếu cư trú tại Singapore, thì văn phòng gia đình của họ đủ điều kiện được miễn thuế.

Và số lượng quỹ này đã tăng bùng nổ. Singapore chứng kiến từ khoảng 50 văn phòng gia đình vào năm 2018 lên tới 700 vào cuối năm 2021. Các luật sư và cố vấn quản lý tài sản ước tính con số này đạt khoảng 1.500 vào cuối năm 2022. Công ty dịch vụ đầu tư IQ-EQ ước tính khoảng 40% người sở hữu các quỹ đó đến từ đại lục.

Dòng vốn đổ vào lĩnh vực quản lý tài sản Singapore đạt 448 tỷ SGD (339 tỷ USD) vào năm 2021, cao hơn 15,7% so với năm trước đó, theo dữ liệu mới nhất từ Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS). Trong khi đó, dòng vốn ròng đổ vào Hong Kong năm 2021 đạt 1.514 nghìn tỷ HKD (194 tỷ USD).

Wang Jue – doanh nhân 35 tuổi đến từ Thành Đô, Trung Quốc là 1 trong nhiều người mạo hiểm ra nước ngoài và chọn Singapore làm địa điểm kinh doanh. Wang cho biết ông đã chuyển thêm tài sản từ văn phòng gia đình ở Hong Kong sang văn phòng mới ở Singapore thành lập năm 2021.

Nhà sưu tập và đầu tư các tác phẩm nghệ thuật sống ở Trung Quốc nhưng thường xuyên đến Singapore và sở hữu bất động sản ở thành phố này. Theo ông, Singapore là lựa chọn mang tính toàn cầu chứ không chỉ riêng của người Trung Quốc vì có nền kinh tế, chính trị ổn định và là trung tâm tài chính nên dòng vốn dễ dàng lưu thông.

Caroline Lee – người tư vấn cho các khách hàng Trung Quốc có văn phòng gia đình ở Singapore, cho biết việc mở văn phòng gia đình sẽ tạo cơ hội nhận được thị thực để sinh sống và làm việc tại Singapore.

Một trong những điểm thu hút là chất lượng giáo dục của Singapore, được coi là 1 trong những hệ thống tốt nhất thế giới. Phó hiệu trưởng của 1 trong những trường quốc tế lớn ở Singapore nói rằng 20 ứng viên vừa được nhận thì có 1 nửa đến từ Trung Quốc.

Ông cho biết: “Thường thì chúng tôi không trao đổi trực tiếp với phụ huynh, chỉ là việc với người quản lý và ‘đại diện’ của họ, về cơ bản là người phiên dịch. Thường thì 1 hoặc cả cha và mẹ của các học sinh đều di chuyển ra ngoài và về Trung Quốc. Họ chi rất nhiều tiền để thuê 1 căn hộ sang trọng gần đó và các con họ sống với người giúp việc, quản lý và ‘đại diện’.”

Điều này cũng được thể hiện trong số liệu bất động sản, cho thấy 2 năm chứng kiến hoạt động mua diễn ra sôi nổi đều nhờ người mua Trung Quốc. Theo dữ liệu của chính phủ, công dân Trung Quốc đã mua 1.738 căn hộ vào năm 2021, cao hơn 50% so với năm 2019 và cao nhất kể từ 2010. Dù thấp hơn 1 chút, nhưng số căn hộ được mua vẫn đạt mức cao kỷ lục là 1.314 vào năm 2022. Ngoài ra, giá thuê bất động sản nhà ở tư nhân cũng đạt kỷ lục vào năm 2022, vượt mức đỉnh trước đó vào năm 2013.

 

Giới nhà giàu Trung Quốc ồ ạt đổ tiền vào Thuỵ Sĩ của châu Á: Tại sao nơi này lại hấp dẫn đến vậy? - Ảnh 2.

Số căn hộ người Trung Quốc mua ở Singapore (không bao gồm các căn siêu sang).

 

Những “vết nứt” khi Singapore trở thành tâm điểm

Ở thời điểm căng thẳng địa chính trị giữa phương Tây và Trung Quốc vẫn leo thang, thì Singapore vẫn cởi mở với cả 2.

Michael Marquardt, giám đốc điều hành khu vực châu Á của IQ-EQ, cho hay: “Bạn có thể là người Trung Quốc đến đây vừa ăn uống, vừa nói tiếng Trung và vẫn có mạng lưới kinh doanh với những đồng hương.”

Singapore cũng trở thành nơi tổ chức hội nghị quan trọng. SuperReturn Asia – hội nghị vốn tư nhân hàng đầu châu Á, năm ngoái lần đầu tiên được tổ chức ở Singapore và thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả Trung Quốc.

Dù Singapore đang sở hữu lợi thế lớn để phát triển trong bối cảnh bất ổn địa chính trị gia tăng, thì câu chuyện này vẫn có những lỗ hổng.

Chi phí sinh hoạt tăng cao đã khiến người dân Singapore bất bình vì nhận thấy những rủi ro vì giá thuê nhà tăng vọt, các trường học trở nên đông đúc và số lượng xe Rolls-Royce ngày càng nhiều. Trong khi đó, khi dòng vốn đổ vào quá nhanh cũng khiến Singapore có khả năng bị những kẻ xấu lợi dụng làm nơi “giấu tiền”.

Theo dữ liệu từ URA, giá thuê nhà đã tăng 8,6% trong quý III, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2007. Giá thuê căn hộ tư nhân, chủ yếu là người nước ngoài chi trả, và nhà ở được chính phủ trợ cấp đều tăng vọt.

Hơn nữa, nhiều người Singapore giàu có và những người muốn làm giàu thường xuyên phàn nàn về việc người Trung Quốc mới đến xây dựng các khu nhà ở và những “khu phố Tàu nhỏ”.

Một số người thì lo ngại rằng, đến một lúc nào đó, Singapore sẽ phải đối mặt với những lời phàn nàn ngày càng căng thẳng từ tầng lớp trung lưu, có thể là từ hàng nghìn chuyên gia nước ngoài đang sống và làm việc tại đây. Các chuyên gia cảnh báo, nếu chất lượng cuộc sống thay đổi, thì dòng vốn của giới nhà giàu có thể sẽ lại chuyển hướng.

Nhưng nhìn chung, Simon Tay – chủ tịch Viện Quan hệ Quốc tế Singapore, cho rằng Singapore vẫn ở vị trí thuận lợi khi quá trình toàn cầu hóa đang chậm lại.

Ông nói: “Trung Quốc vẫn được đón nhận nồng nhiệt ở Singapore. Đồng thời, Phố Wall và các công ty Mỹ vẫn coi Singapore là địa điểm lý tưởng thay thế các cho trung tâm khác.”

Tham khảo FT

https://cafef.vn/gioi-nha-giau-trung-quoc-o-at-do-tien-vao-thuy-si-cua-chau-a-tai-sao-noi-nay-lai-hap-dan-den-vay-20230116131922196.chn