Theo Financial Times, Ngân hàng SVB có tài sản trị giá 212 tỷ USD và vốn hóa thị trường lên tới 16 tỷ USD, tính đến trước ngày 8/3. Đây là vụ ngân hàng phá sản lớn nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra vào năm 2008.
Ngân hàng SVB cũng lớn hơn nhiều so với Silvergate, ngân hàng tiền số cỡ nhỏ vừa công bố kế hoạch ngừng hoạt động trong tuần này. Silvergate chỉ có 11 tỷ USD tài sản cùng với thị phần khiêm tốn. Ngược lại, SVB là một ngân hàng lớn và sự sụp đổ của nó sẽ gây ra những hậu quả kinh tế thực sự.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng không nên đánh đồng sự thất bại của SVB với việc cho vay khó đòi, thiếu vốn và sự lệ thuộc lẫn nhau. Đây là đặc điểm của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Vấn đề thực sự của SVB
Các vấn đề của SVB xuất hiện cùng với sự bùng nổ đầu tư sau khi đại dịch Covid-19 bắt đầu. Ngân hàng này đã được các nhà đầu tư mạo hiểm và nhiều công ty khởi nghiệp ở California không ngừng gửi tiền. Vào năm 2020 và 2021, số tiền gửi lên tới gần 130 tỷ USD.
Lượng tiền này nhiều đến nỗi SVB không thể cho vay hết. Thay vào đó, họ đầu tư phần lớn số tiền trên vào trái phiếu dài hạn do chính phủ Mỹ hậu thuẫn. Việc đầu tư trái phiếu không có rủi ro tín dụng. Ngoài ra, những khoản tiền gửi của SVB hầu như không mất phí. Thậm chí, họ còn có lợi nhuận dù doanh nghiệp chỉ trả một vài điểm phần trăm lãi suất.
Tuy nhiên, cấu trúc cân đối kế toán này chỉ có thể hoạt động khi lãi suất vẫn ở mức thấp. Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kiềm chế lạm phát và tăng lãi suất, việc gửi tiền trở nên đắt đỏ hơn. Chỉ trong năm qua, chi phí tiền gửi của SVB đã tăng từ 0,14% lên 2,33%.
Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn lại không thay đổi. Các khó khăn về lợi nhuận đã xuất hiện từ đây.
Ngân hàng SVB đã lên kế hoạch giải quyết vấn đề bằng cách bán một số trái phiếu dài hạn và tái đầu tư với kỳ hạn ngắn hơn cùng lợi suất cao hơn. Lãnh đạo ngân hàng lúc đó đã kỳ vọng các khoản lỗ sẽ được bù đắp bằng vốn chủ sở hữu mới.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư và người gửi tiền không đủ kiên nhẫn để chờ xem liệu kế hoạch đó có thành công hay không. Cổ phiếu và trái phiếu SVB bị bán tháo ngày 9/3. Cùng ngày, nhiều khách hàng vội vã rút tiền của họ. 42 tỷ USD đã được rút chỉ trong 24 giờ. Điều này khiến Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) phải vào cuộc.
Niềm tin của khách hàng bị xói mòn
Trong vài năm qua, nhiều ngân hàng khác đã nhận tiền gửi dưới hình thức trái phiếu dài hạn. Họ có thể đối mặt với số phận tương tự. Tuy nhiên, SVB là một ngoại lệ trong ngành ngân hàng.
Một báo cáo gần đây từ RBC Capital Markets đã xếp hạng 100 ngân hàng lớn nhất của Mỹ với các đặc điểm khác nhau của bảng cân đối kế toán. SVB đứng thứ 99 cùng tỷ lệ tiền gửi dưới 250.000 USD, ở mức dưới 3%.
Điều này rất quan trọng vì những bên gửi tiền của SVB là các doanh nghiệp lớn rất nhạy cảm về lãi suất. Họ sẽ yêu cầu lãi suất tiền gửi cao hơn ngay khi thấy Fed tăng lãi suất. Trong khi đó, các khách hàng cá nhân lại không quá bận tâm về vấn đề này. Do đó, áp lực ngay lập tức được tạo ra đối với tỷ suất lợi nhuận của SVB.
Bên cạnh đó, về tỷ lệ tổng tài sản ngân hàng nắm giữ bằng chứng khoán, SVB đứng đầu với mức 55%. Ngược lại, phần lớn ngân hàng sở hữu nhiều khoản vay với lãi suất thả nổi và được trả nhiều tiền hơn khi lãi suất tăng.
Cuối cùng, bản thân khách hàng của SVB rất nhạy cảm với lãi suất. Khi chính sách của Fed vẫn chưa thắt chặt như hiện tại, dòng vốn đầu tư mạo hiểm chảy vào các công ty khởi nghiệp và khiến các công ty rủng rỉnh tiền mặt.
Tuy nhiên, việc lãi suất tăng nhanh đã thay đổi tất cả. Nhiều cổ phiếu công nghệ đã bị bán tháo. Điều này khiến các đơn vị non trẻ lo lắng và buộc phải thắt chặt ngân sách của bản thân.
Bloomberg đã đưa tin Founders Fund, quỹ đầu tư mạo hiểm nổi tiếng, đang khuyến nghị các công ty của họ rút tiền ra khỏi SVB vào ngày 9/3. Điều đó đồng nghĩa với việc số phận của SVB đã dần đi đến hồi kết.
Danh mục đầu tư trái phiếu chính phủ dài hạn của các ngân hàng khác sẽ là lực cản đối với tỷ suất lợi nhuận trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, điều này phần lớn đã được các nhà phân tích và nhà đầu tư nắm rõ. Dù vậy, thất bại của SVB có thể đã thay đổi mọi thứ trong hệ thống ngân hàng.
Sau khi SVB sụp đổ, lòng tin của người gửi tiền bị lung lay. Họ có thể yêu cầu ngân hàng tăng lãi suất cho các khoản tiền gửi. Điều này khiến biên lợi nhuận của các ngân hàng bị siết chặt. Tuy nhiên, đây là vấn đề liên quan đến lợi nhuận và không tương đồng với mối đe dọa đối với khả năng thanh toán trong cuộc khủng hoảng năm 2008.
Trong một môi trường với lãi suất ổn định hơn, các ngân hàng sẽ không kéo dài thời hạn của danh mục đầu tư trái phiếu để tìm kiếm lợi nhuận. Nếu các ngân hàng phải trở nên thận trọng hơn để bảo vệ bảng cân đối kế toán của bản thân, điều này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Vào cuối mỗi chu kỳ tăng lãi suất của ngân hàng trung ương sẽ có một giai đoạn mà mọi thứ trong hệ thống tài chính bắt đầu sụp đổ. Kết cục phá sản, dù nhỏ hay lớn, đều làm xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư và người tiêu dùng. Điều này sẽ góp phần khiến khả năng xảy ra suy thoái tăng cao.
Sự thất bại của SVB không phải là điềm báo cho một cuộc khủng hoảng tương tự năm 2008. Tuy nhiên, sự kiện này sẽ đánh dấu khởi đầu cho một giai đoạn đổ vỡ.
https://zingnews.vn/vu-svb-sup-do-co-giong-cuoc-khung-hoang-2008-post1411371.html