Xuất khẩu của Trung Quốc suy giảm mạnh hơn dự kiến trong tháng 5. Điều này càng thổi bùng lo ngại đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ở thời kỳ hậu Covid-19 đang mất động lực và cho thấy hoạt động thương mại toàn cầu đang suy yếu nhanh hơn.

Container tập kết ở cảng Thanh Đảo thuộc tỉnh Sơn Đông,Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Số liệu do Tổng Cục hải quan Trung Quốc công bố hôm 7-4 cho thấy, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 5 giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi tăng 8,5% trong tháng 4. Đây là tháng xuất khẩu suy giảm đầu tiên trong ba tháng qua của Trung Quốc, với mức suy giảm cao hơn mức dự báo suy giảm chỉ 1% của các nhà kinh tế ở Phố Wall.

Sự sụt giảm trong xuất khẩu một phần phản ánh nền tảng so sánh cao hơn vào tháng 5 năm ngoái, khi Trung Quốc bắt đầu thoát khỏi tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt kéo dài hai tháng ở Thượng Hải.

Trong một dấu hiệu cho thấy sự phục hồi ổn định của nhu cầu trong nước, nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng trước chỉ giảm 4,5% so với một năm trước đó, cải thiện so với mức giảm 7,9% trong tháng 4. Nhìn chung, thặng dư thương mại của Trung Quốc đã thu hẹp xuống còn 65,5 tỉ đô la trong tháng 5.

Số liệu xuất khẩu mờ nhạt cho thấy vai trò của thương mại trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang suy yếu so với thời kỳ áp dụng chính sách “zero Covid” khi nhu cầu ngày càng tăng của phương Tây đối với đồ điện tử, đồ nội thất và các hàng hóa giúp các nhà máy nước này tràn ngập đơn hàng.

Hoạt động xuất khẩu suy yếu không chỉ giới hạn ở Trung Quốc. Các cường quốc thương mại châu Á khác cũng báo cáo xuất khẩu sụt giảm vào tháng trước do nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại. Xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 5 giảm 15,2% so với một năm trước đó, chủ yếu do  các lô hàng xuất khẩu chip bán dẫn, máy tính và các sản phẩm điện tử khác giảm mạnh.

Theo Fitch Ratings, thương mại toàn cầu suy yếu sau một giai đoạn tương đối mạnh mẽ trong đại dịch Covid vào năm 2021 và 2022. Giờ đây, nhu cầu hàng hóa toàn cầu đang chịu sức ép lớn trong bối cảnh  làn sóng thắt chặt tiền tệ chưa dừng lại, chương trình hỗ trợ tài khóa của các chính phủ giảm dần và sự chuyển hướng sang chi tiêu cho các dịch vụ.

Hôm 7-4, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo dòng chảy thương mại toàn cầu tăng chậm lại ở mức 1,6% trong năm nay, từ mức tăng 5% vào năm ngoái.

Hoạt động thương mại suy yếu sẽ phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu. Trong tuần này, Ngân hàng Thế giới dự đoán tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại trong nửa cuối năm nay và cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2024 xuống mức 2,4% từ mức ước tính trước đó là 2,7%.

Xuất khẩu chậm lại cũng sẽ gây thêm áp lực giảm tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay. Đà phục hồi tổng thể của Trung Quốc bắt đầu suy yếu vào tháng 4 khi một loạt chỉ số, bao gồm doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp và hoạt động bất động sản, đều không đạt các mức dự báo.

Một thước đo chính thức về hoạt động sản xuất của Trung Quốc bất ngờ trượt xuống còn 48,8 điểm trong tháng 5, rơi sâu hơn vào khu vực suy giảm (dưới 50 điểm), báo hiệu đà phục hồi có thể trì trệ hơn nữa.

Người tiêu dùng Trung Quốc vẫn hạn chế vung tiền mua sắm những mặt hàng có giá trị lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân chỉ thực hiện các khoản đầu tư nhỏ trong năm nay giữa lúc triển vọng của thị trường bất động sản vẫn bất ổn.

“Xuất khẩu yếu cho thấy Trung Quốc cần dựa vào nhu cầu trong nước khi nền kinh tế toàn cầu chậm lại. Bắc Kinh sẽ đối mặt áp lực lớn hơn trong việc thúc đẩy tiêu dùng trong nước vì nhu cầu toàn cầu có thể sẽ suy yếu hơn nữa trong nửa cuối năm”, Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management nhận định.

Sarah Tan, nhà kinh tế của Moody’s Analytics, cho biết xuất khẩu suy giảm trong lĩnh vực sản phẩm công nghệ cao là nguyên nhân chính khiến xuất khẩu tổng thể của Trung Quốc suy giảm trong tháng 5.

Nhu cầu mua thiết bị làm việc tại nhà giảm và tình trạng sa thải trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu đã ảnh hưởng đến nhu cầu sản phẩm công nghệ cao được sản xuất tại Trung Quốc.

Hãng tư vấn Capital Economics dự báo, hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục suy yếu trước khi bắt đầu đảo chiều vào cuối năm trong bối cảnh có khả năng xảy ra suy thoái nhẹ ở các nền kinh tế phát triển một phần do hiệu ứng lan tỏa từ làn sóng tăng lãi suất.

Với điều kiện tiền tệ đang thắt chặt ở nước ngoài, một số nhà kinh tế cho rằng giới hoạch định chính sách Trung Quốc cần sớm tăng cường các biện pháp kích thích. Nhà hoạch d9i5h chính sách sẽ theo dõi chặt chẽ các biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn có thể được đưa ra cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc dự kiến diễn ra vào cuối tháng 7.

“Các hành động chính sách quyết đoán của Trung Quốc là điều cần thiết để phục hồi niềm tin”, các nhà kinh tế của ngân hàng Citigroup viết trong một báo cáo gửi khách hàng hôm 7-4.

Tháng trước, một số ngân hàng đầu tư đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc. Hai ngân hàng Nomura và Barclays lần lượt cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay xuống 5,5% và 5,3%. Các mức tăng trưởng này vẫn cao so với với mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% mà chính phủ Trung Quốc đặt ra cho năm 2023.

Theo WSJ, SCMP

Xuất khẩu Trung Quốc sụt giảm, dấu hiệu suy yếu của thương mại toàn cầu