Sau 2 năm đầy biến động bởi dịch bệnh, người dân toàn cầu bước sang năm 2023 với hy vọng về một giai đoạn êm đềm hơn. Tuy nhiên, vụ sụp đổ của ngân hàng SVB và cùng với nhiều ngân hàng khác đã đập tan niềm hy vọng mong manh đó.

Thế giới dường như còn hỗn loạn hơn trong bối cảnh lãi suất ngày càng tăng và biến động địa chính trị ngập tràn.

Ở Trung Quốc, nền kinh tế vẫn bị đè nặng bởi “cơn ác mộng” bất động sản, trong khi nhu cầu chưa hồi phục như kỳ vọng. Ở Mỹ, thị trường tài chính chao đảo trước những lời nói của Fed mà điểm nhấn nằm ở thị trường trái phiếu, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã có lúc vượt 5%. Trong khi đó, ở vùng Trung Đông, Israel và Hamas tham gia vào cuộc chiến mà đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Silicon Valley Bank sụp đổ

Ngày 10/03, thị trường hoảng hốt trước thông tin Silicon Valley Bank (SVB) bị buộc phải dừng hoạt động và giao lại cho Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) quản lý. FDIC sẽ thanh lý tài sản ngân hàng để trả cho những người gửi tiền và chủ nợ của SVB.

Đây cũng là vụ sụp đổ lớn nhất của một ngân hàng kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008, và lớn thứ hai trong lịch sử. Tại thời điểm sụp đổ, SVB có tổng số tiền huy động khoảng 174 tỷ USD, tổng số tiền đầu tư nắm giữ các trái phiếu và những khoản cho vay khoảng 205 tỷ USD.

Không lâu sau đó, Signature Bank và First Republic cũng sụp đổ và bị FDIC tiếp quản. Một số ngân hàng địa phương như PactWest cũng bị khách hàng rút tiền mạnh.

Thương vụ M&A thế kỷ UBS – Credit Suisse

Sau vụ phá sản của SVB ở Mỹ, cái nhìn của giới đầu tư với các ngân hàng cũng xấu đi và kéo giá cổ phiếu Credit Suisse giảm mạnh. Với Credit Suisse, vấn đề của họ không chỉ là tâm lý bi quan của giới đầu tư, mà còn là những bê bối trước đó, từ vụ sụp đổ của Greensill cho tới bê bối rửa tiền. Tình hình tài chính của ngân hàng này cũng trở nên bấp bênh hơn.

Trong bối cảnh lo ngại về sự lây lan sau khi 2 ngân hàng Mỹ phá sản hồi tuần trước, Quỹ đầu tư quốc gia của Ả Rập Saudi – cổ đông lớn nhất của Credit Suisse, cho biết sẽ không đầu tư thêm vào ngân hàng và khiến thị trường hoảng loạn.

Ngày 15/3, khả năng Credit Suisse có thể bị sụp đổ đã trở nên rõ ràng hơn khi giá cổ phiếu của ngân hàng này giảm hơn 30% trong các phiên giao dịch, kéo theo cổ phiếu của các nhà băng lớn khác của châu Âu đồng loạt giảm sau sự sụp đổ của các ngân hàng ở Mỹ.

Đến ngày 19/03, Chính phủ Thụy Sĩ, ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý tài chính của nước này đã can thiệp và mạnh mẽ thúc đẩy thương vụ UBS mua lại Credit Suisse

Ngày 20/03/2023, UBS đã tiến tới thỏa thuận mua lại Credit Suisse, trong đó các cơ quan điều hành Thụy Sỹ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hai bên tiến tới thỏa thuận để ngăn chặn cuộc khủng hoảng ngân hàng.

Chủ tịch UBS Colm Kelleher và chủ tịch Credit Suisse Axel Lehmann sau cuộc họp báo đàm phán về Credit Suisse ngày 19/3/2023

Theo thỏa thuận, tất cả cổ đông của Credit Suisse sẽ nhận được cổ phiếu UBS theo tỷ lệ 1 cp UBS đổi 22.48 cp Credit Suisse. Với tỷ lệ hoán đổi này, tổng giá trị cổ phiếu tại Credit Suisse ở mức 3 tỷ Francs (tương đương 3.25 tỷ USD).

Là một phần của thỏa thuận, Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ cam kết cho vay tới 100 tỷ Francs (108 tỷ USD) để hỗ trợ thương vụ thâu tóm. Đồng thời, Chính phủ Thụy Sỹ cũng cam kết sẽ bù đắp các khoản lỗ tới 9 tỷ Francs từ một số tài sản nhất định “nhằm giảm thiểu rủi ro cho UBS”, theo tuyên bố từ Chính phủ Thụy Sỹ.

ElNino xuất hiện

Hôm 08/06, các nhà khoa học ở Trung tâm dự báo khí hậu thuộc Cục quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) xác nhận El Nino đã bắt đầu và sẽ mạnh dần trong năm sau, có thể biến năm 2024 thành năm nóng nhất trong lịch sử và đẩy nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng vượt ngưỡng 1.5 độ C.

El Nino cũng ảnh hưởng tới thời tiết thế giới, đem hạn hán tới Australia, gây mưa nhiều hơn ở miền nam nước Mỹ và làm suy yếu gió mùa ở Ấn Độ.

Với sự xuất hiện của El Nino, nhiều quốc gia dự báo thời tiết khô hạn sẽ gây khó khăn cho trồng trọt và có thể đe dọa tới nguồn cung của nhiều nông sản, như lúa gạo và đường.

Evergrande nộp đơn phá sản, Country Garden vỡ nợ

Ngày 17/08, Tập đoàn Evergrande của Trung Quốc đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 15 ở Mỹ.

Trước khi nộp đơn phá sản ở Mỹ, Evergrande công bố khoản lỗ 81 tỷ USD trong hai năm 2021 và 2022. Theo ước tính, Evergrande đang nợ khoảng 2,437 tỷ Nhân dân tệ (340 tỷ USD) – tương đương 2% GDP Trung Quốc.

Sau khi nộp đơn phá sản, Evergrande gấp rút phác thảo kế hoạch tái cấu trúc và đàm phán với các chủ nợ. Tuy nhiên, công ty gặp nhiều rắc rối và khiến kế hoạch tái cấu trúc khó thực hiện, như việc Evergrande không đủ điều kiện để phát hành trái phiếu mới. Ngoài ra, nhà sáng lập Hứa Gia Ấn cũng bị cảnh sát điều tra.

Ngoài Evergrande, Country Garden – công ty bất động sản tư nhân lớn thứ hai Trung Quốc – cũng đã vỡ nợ vào cuối tháng 10/2023 vì không thể thanh toán nợ trái phiếu USD.

Nếu phải tái cấu trúc, Country Garden có thể là một trong những vụ tái cấu trúc lớn nhất trong lịch sử. Tập đoàn nặng nợ này vẫn còn hơn 3,000 dự án nhà ở tại các thành phố nhỏ và có 70,000 nhân viên.

Rắc rối của Country Garden sẽ gây nhiều tác động hơn so với vụ vỡ nợ của Evergrande trong năm 2021 vì số dự án của họ gấp nhiều lần so với Evergrande. Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản khác của Trung Quốc cũng rơi vào rắc rối.

Cuộc chiến Hamas – Israel

Vào rạng sáng ngày 07/10, ngay ngày lễ lớn của người Do Thái, nhóm vũ trang Hamas đã phát động cuộc tấn công vào Israel qua đường bộ, đường biển và đường hàng không. Vụ tấn công xảy ra vài giờ sau khi hàng ngàn quả tên lửa được phóng từ Gaza vào Israel.

Theo số liệu sơ bộ của Bộ Tài chính Israel, với giả định cuộc chiến chỉ kéo dài 8-12 tháng, và không có sự tham gia của Hezbollah, Iran, chi phí ước tính sẽ ở mức 200 tỷ shekels (51 tỷ USD), tương đương 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Israel..

WeWork phá sản

Ngày 07/11, WeWork – từng là startup được đánh giá rất cao và đầy triển vọng – đã nộp đơn phá sản sau giai đoạn dài tìm cách vực dậy trong thời dịch bệnh COVID-19.

Trong hồ sơ phá sản theo Chương 11 nộp ở tòa án New Jersey, WeWork cho biết tổng tài sản và nợ phải trả từ 10 tỷ USD cho đến 50 tỷ USD. Việc nộp đơn phá sản cho phép công ty tiếp tục hoạt động trong lúc phác thảo kế hoạch trả nợ.

Startup lừng danh một thời đã tiến tới thỏa thuận tái cấu trúc nợ vào đầu năm 2023, nhưng nhanh chóng gặp rắc rối sau đó. Trong tháng 8/2023, họ cho biết khả năng tiếp tục hoạt động của công ty “đang bị hoài nghi trầm trọng”.

Mạng lưới bất động sản của WeWork trải rộng trên 777 địa điểm tại 39 quốc gia tính đến ngày 30/06, với công suất thuê gần bằng mức năm 2019. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp vẫn không có lãi.

“Drama” giữa OpenAI và Sam Altman

Ngày 17/11, cả cộng động AI choáng váng khi HĐQT OpenAI quyết định sa thải Sam Altman – người được ví như cha đẻ của ChatGPT và có sức ảnh hưởng lớn trong giới công nghệ.

Chỉ trong vòng 3 ngày sau đó, hội đồng quản trị cũ đã bổ nhiệm 2 CEO khác nhau để thay thế cho Sam, và rồi đều bị loại bỏ chỉ sau 1 ngày. Đã có lúc thỏa thuận quay trở lại OpenAI của Altman tưởng chừng như bất thành khi ông và cựu chủ tịch Brockman cho biết sẽ chuyển sang làm việc cho Microsoft.

Cùng lúc đó, gần như toàn bộ nhân viên OpenAI đã ký vào một bức thư ngỏ tuyên bố sẽ nghỉ việc và sang làm cho Microsoft, nếu Hội đồng quản trị hiện tại không từ nhiệm và đưa Sam Altman trở lại làm CEO công ty. Thậm chí cả Ilya Sutskever, một trong các thành viên của Hội đồng quản trị và là người được xem như đứng đằng sau cuộc lật đổ vừa qua, cũng ký vào bức thư này với sự hối tiếc sâu sắc vì hành động trước đó của mình.

Ngay cả Emmett Shear, người vừa được bổ nhiệm vào Chủ Nhật làm CEO tạm quyền, thay thế cho người tạm quyền trước đó, bà Mira Murati, cũng đe dọa sẽ từ chức nếu hội đồng quản trị không cung cấp các tài liệu hoặc bằng chứng cho thấy việc làm sai trái của Altman.

Hàng loạt động thái phản đối này cho thấy sức ảnh hưởng to lớn của Altman đối với cộng đồng AI cũng như trở thành sức ép to lớn buộc hội đồng quản trị cũ phải lùi bước và chấp thuận đàm phán nghiêm túc cho sự trở về của vị cựu CEO này.

Cuối cùng, HĐQT OpenAI phải đàm phán với Sam Altman. Kết quả, Sam Altman trở lại làm CEO OpenAI và HĐQT có thêm nhiều thành viên mới.

Binance nhận tội rửa tiền, CZ từ chức

Ngày 22/11, Binance Holdings và CEO Changpeng Zhao (còn được biết tới là CZ) nhận tội rửa tiền và vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Binance sẽ đóng phạt 4.3 tỷ USD, là một trong những án phạt doanh nghiệp lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Còn Zhao sẽ đóng phạt 50 triệu USD và sẽ phải từ chức CEO theo thỏa thuận. Tuy rời vị trí, nhưng thỏa thuận cho phép CZ giữ lại phần lớn quyền sở hữu công ty.

Nhà sáng lập Binance đã thừa nhận vi phạm Đạo luật Bảo mật Ngân hàng trước tòa án liên bang ở Seattle. Với thỏa thuận này, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) đã chấm dứt cuộc điều tra kéo dài nhiều năm tại sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất thế giới.

“Hôm nay, tôi từ chức CEO Binance. Phải nói rằng việc buông bỏ không hề dễ dàng, nhưng là điều đúng đắn nên làm. Tôi đã phạm sai lầm và tôi phải chịu trách nhiệm. Đây là điều tốt nhất cho cộng đồng, cho Binance và cho chính tôi”, Changpeng Zhao (CZ) viết trên mạng xã hội X vào ngày 21/11. Ông cho rằng “Binance không còn là một đứa trẻ nữa” và đã đến lúc phải để nó tự bước đi và chạy.

Với thỏa thuận dàn xếp trên, Binance sẽ tiếp tục hoạt động nhưng sẽ dần điều chỉnh cho phù hợp với quy định hơn.

Trong 24h sau thông tin trên, hơn 1 tỷ USD đã tháo chạy khỏi sàn tiền ảo này.

Vĩnh biệt Charlie Munger, người bạn tâm giao của Warren Buffett

Huyền thoại đầu tư, nhà tư vấn tài chính đại tài, người được biết đến là cánh tay phải của tỷ phú Warren Buffett, đã ra đi mãi mãi tại một bệnh viện ở California vào ngày 28/11/2023, hưởng thọ 99 tuổi.

Lần đầu gặp gỡ của Munger với Warren Buffett là vào năm 1959, tại một bữa tiệc tối ở Omaha.

Munger lúc này đang là một luật sư tại Los Angeles, tốt nghiệp trường Luật của ĐH Harvard. Đối mặt với tiền bối hơn mình 7 tuổi, Warren Buffett đưa ra lời khuyên rằng “coi luật là một sở thích cũng tốt thôi”, nhưng Munger có thể làm tốt hơn nữa với tư cách là một nhà đầu tư.

Hai  thập kỷ sau đó, Munger trở thành cánh tay phải của Buffett, cùng nhau dẫn dắt Berkshire Hathaway. Khối tài sản của Munger trị giá 2.7 tỷ USD, theo thông tin từ tạp chí Forbes. Mối quan hệ giữa cả hai được đánh giá là “không thể tách rời”.

Đổi lại, sự hiện diện cùng những lời khuyên quý giá của Munger đã đưa Buffett trở thành một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới, đồng thời nâng tầm Berkshire Hathaway từ doanh nghiệp chục triệu đô thành một đế chế lớn mạnh, giá trị khoảng 785 tỷ USD.

Fed ngừng nâng lãi suất

Fed đã quyết định tạm ngừng nâng lãi suất từ cuộc họp tháng 6/2023 sau 11 đợt nâng lãi suất liên tiếp kể từ tháng 3/2022.

Quyết định được đưa ra trong bối cảnh lạm phát đã hạ nhiệt đáng kể và giúp Fed có thời gian để đánh giá lại tác động của chính sách tiền tệ tới nền kinh tế.

Trong tháng 10/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3.2% so với cùng kỳ và đi ngang so với tháng trước, theo số liệu từ Bộ Lao động Mỹ. Con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng hơn 9% của năm 2022.

Trong lần phát biểu gần đây, Chủ tịch Jerome Powell bác bỏ kỳ vọng sẽ sớm cắt giảm lãi suất, cho rằng vẫn còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng lạm phát.

“Vẫn còn quá sớm để kết luận tự tin rằng chúng ta đã thắt chặt đủ hoặc suy đoán khi nào chính sách sẽ nới lỏng trở lại”, ông Powell chia sẻ tại một sự kiện ở trường Spelman. “Chúng tôi sẵn lòng thắt chặt chính sách hơn nữa nếu cần thiết”.

Trong khi đó, thị trường tương lai đã kỳ vọng gần như chắc chắn rằng Fed đã ngừng tăng lãi suất và có thể bắt đầu cắt giảm ngay sau tháng 3/2024. Ngoài ra, các trader cũng cược rằng đến cuối năm 2024, mức cắt giảm sẽ là 1.25 điểm phần trăm.

https://vietstock.vn/2023/12/nhin-lai-top-10-su-kien-kinh-te-quoc-te-trong-nam-2023-775-1136797.htm