Chứng khoán Trung Quốc vừa khép lại thêm 1 tuần tồi tệ, với chỉ số theo dõi các công ty Trung Quốc niêm yết ở Hồng Kông rơi xuống đáy bảng xếp hạng các chỉ số cổ phiếu toàn cầu. Khối ngoại đã bán ròng 3.4 tỷ Nhân dân tệ cổ phiếu Trung Quốc trong 3 tuần đầu năm.

Những cột mốc ảm đạm của Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều trong những ngày gần đây: Tokyo vượt Thượng Hải trở thành thị trường cổ phiếu lớn nhất ở châu Á, còn chênh lệch định giá giữa Ấn Độ và Trung Quốc chạm mức kỷ lục. Xét ở trong nước, cú sụp của thị trường cổ phiếu đang giáng đòn nặng nề tới ngành quản lý tài sản Trung Quốc, từ đó khiến số lượng quỹ tương hỗ đóng cửa tăng lên mức đỉnh 5 năm.

Chỉ số Hang Seng China Enterprises – theo dõi các công ty Trung Quốc niêm yết ở Hồng Kông – đã lao dốc 11% từ đầu năm 2024. Chuỗi giảm dài đẳng đã củng cố thêm cho một sự chuyển dịch mang tính cấu trúc, trong đó các tổ chức đầu tư từ quỹ chủ động cho tới quỹ thụ động, đều “ngoảnh mặt” với thị trường chứng khoán của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Chỉ số Nasdaq Golden Dragon China giảm tới 2.2% trong phiên 19/01, đánh dấu 5 phiên giảm liên tiếp.

Theo ước tính của Bloomberg, khoảng 6.3 ngàn tỷ USD đã bị cuốn bay khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông kể từ khi đạt đỉnh vào năm 2021. Điều này cho thấy công cuộc khôi phục niềm tin của Bắc Kinh đang gặp phải thách thức khổng lồ. Các cơ quan chức trách Trung Quốc loại bỏ khả năng bơm gói kích thích quy mô lớn để vực dậy nền kinh tế, qua đó khiến nhiều trader tự hỏi đến khi nào đất nước tỷ dân mới phục hồi.

“Những gì diễn ra trong năm nay thực chất chỉ là tiếp diễn của những gì diễn ra trong năm ngoái”, John Lin, Giám đốc đầu tư tại AllianceBernstein, chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào ngày 17/01. “Kiểu chính sách hỗ trợ nhỏ giọt đến nay vẫn chưa thể vực dậy các yếu tố cơ bản của các khu vực như bất động sản”.

Trong tuần trước, chỉ số HSCEI giảm hơn 6% và sắp ghi nhận tháng 1 tồi tệ nhất trong 8 năm. Ở Trung Quốc, chỉ số CSI 300 giảm tuần thứ 9 trong 10 tuần vừa qua. Thông tin các quỹ Nhà nước “giải cứu” thị trường thông qua các quỹ ETF và công ty môi giới lớn nhất Trung Quốc tạm ngừng dịch vụ bán khống với một số khách hàng cũng không thể ngăn chặn chuỗi giảm của thị trường.

Những “cơn gió ngược” vẫn đang thổi rất mạnh: Lĩnh vực bất động sản vẫn đang khủng hoảng, áp lực giảm phát ngày càng tăng, trong khi căng thẳng Mỹ-Trung không có dấu hiệu hạ nhiệt. Những ngày gần đây, sự không chắc chắn về lộ trình lãi suất của Fed và mối đe dọa từ thị trường chứng khoán phái sinh Trung Quốc càng khiến tâm trí nhà nhà đầu tư thêm quay cuồng.

Các công ty quỹ đầu tư châu Á đã giảm tỷ lệ phân bổ cho Trung Quốc khoảng 12 điểm phần trăm xuống 20%, mức thấp nhất trong hơn 1 năm, theo kết quả khảo sát của Bank of America.

Các nhà quản lý quỹ ETF cũng bán ròng 300 triệu USD cổ phiếu Trung Quốc và Hồng Kông trong tháng này, theo phân tích của Morgan Stanley. Điều này hoàn toàn trái ngược với nửa đầu năm 2023, khi họ mua ròng 700 triệu USD ngay cả khi các chỉ số đều giảm.

Đến nay, Bắc Kinh vẫn nỗ lực trấn an nhà đầu tư, nhưng nhà đầu tư đáp lại bằng sự hoài nghi và cho rằng các cơ quan chức trách Trung Quốc đang phản ứng chậm với tình hình.

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) trong tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ca ngợi việc kinh tế Trung Quốc vẫn đạt mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm 2023 mà không phải đưa ra gói kích thích quy mô lớn. Tuy vậy, điều này không thể làm yên lòng nhà đầu tư, họ vẫn đang bán ra quyết liệt.

https://vietstock.vn/2024/01/6300-ty-do-bi-cuon-bay-khoi-chung-khoan-trung-quoc-va-hong-kong-khoi-ngoai-o-at-thao-chay-773-1147729.htm