Giới đầu tư mạo hiểm tại Mỹ đang ngồi trên núi tiền mặt kỷ lục do họ muốn tránh các khoản đặt cược rủi ro vào startup.

Các nhà đầu tư mạo hiểm Mỹ đang có 311 tỷ USD tiền mặt chưa tiêu, vì họ ngại đặt cược rủi ro vào các startup ở Thung lũng Silicon và muốn tập trung hoàn vốn cho những khoản đầu tư trước đó.

Theo công ty dữ liệu PitchBook, các công ty đầu tư mạo hiểm của Mỹ mới chỉ triển khai một nửa “núi tiền” 435 tỷ USD mà họ huy động được từ các nhà đầu tư trong thời kỳ bùng nổ đại dịch COVID-19 từ năm 2020 đến năm 2022.

Các công ty đầu tư mạo hiểm ở Mỹ đang sở hữu “núi” tiền mặt kỷ lục

Số tiền đó gộp với lượng vốn chưa sử dụng sẵn có, được tích lũy khi các công ty mạo hiểm áp dụng quan điểm đầu tư thận trọng hơn trong bối cảnh định giá startup đang giảm. Họ đang muốn hỗ trợ cho các công ty công nghệ lâu đời hơn hoặc danh mục đầu tư hiện tại của họ.

Thrive Capital của Josh Kushner, một trong những công ty mạo hiểm tích cực nhất, đã rót một khoản lớn cho các công ty đã có trong danh mục đầu tư của ông vào năm ngoái, trong đó có 1.8 tỷ USD vào công ty fintech Stripe, vốn được định giá 50 tỷ USD. Thrive cũng đang tiến hành mua cổ phiếu của nhân viên tại OpenAI, nhà sản xuất ChatGPT, trong một thỏa thuận định giá công ty ở mức 86 tỷ USD.

Ông Ibrahim Ajami- Giám đốc đầu tư mạo hiểm tại Mubadala Capital thuộc quỹ đầu tư quốc gia Mubadala Investment Company tại Abu Dhabi, cho biết: “Tiền mặt dự trữ còn nhiều, song không có nghĩa là thế giới sẽ lại tràn ngập vốn đầu tư mạo hiểm”. Theo ông, một lượng lớn vốn sẽ được sử dụng để dọn dẹp mớ hỗn độn được tạo ra trong thời kỳ lãi suất tăng liên tục từ mức thấp kỷ lục.

Các quỹ đầu tư mạo hiểm đã huy động một lượng tiền mặt chưa từng có trong đại dịch COVID-19. Trong đó, Andreessen Horowitz huy động được 4.5 tỷ USD để nhắm tới thị trường tiền điện tử; Tiger Global Management đã huy động được 12.7 tỷ USD trong một quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất từ trước đến nay.

Nhưng hiện tại, các quỹ đầu tư mạo hiểm đang chịu áp lực ngày càng lớn để hoàn vốn cho những người hậu thuẫn chính họ, vốn là các nhà đầu tư tổ chức, quỹ và quỹ hưu trí, hay còn gọi là đối tác hữu hạn.

Đối tác hữu hạn thường nhận được tiền lãi khi quỹ đầu tư mạo hiểm thành công “rút chân” khỏi một startup tại thời điểm chúng được bán hoặc được niêm yết công khai. Việc không thể thành công rút chân cũng có nghĩa là các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Mỹ chỉ có thể phân phối lại 21 tỷ USD cho đối tác hữu hạn của họ vào năm ngoái, tương đương 1/7 lợi nhuận được thanh toán vào năm 2021, theo PitchBook.

Một nhà đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon cho biết: “Các đối tác hữu hạn thường không thích gây áp lực để buộc các quỹ đầu tư mạo hiểm phải xuống tiền, nhưng nếu bạn đang bước vào năm thứ ba không làm gì cả, họ sẽ bắt đầu đặt câu hỏi họ trả phí để làm gì”. Hầu hết quỹ đầu tư mạo hiểm tiếp tục tính phí quản lý đối với đối tác hữu hạn bất kể họ có đầu tư hay không.

Khi các quỹ đầu tư mạo hiểm e dè trong việc chi tiêu nguồn vốn dự trữ của mình, các startup cũng không thể vạch ra được một con đường rõ ràng trong việc kiếm lợi nhuận hay bán mình thu lời, thay vào đó, họ sẽ phải đối mặt với việc bị hạ định giá và có khả năng thất bại.

Theo PitchBook, số startup sụp đổ đã tăng gấp đôi trong năm qua. Các công ty từng có định giá hơn 1 tỷ USD, bao gồm Hopin và Convoy, cũng nằm trong số đó.

https://vietstock.vn/2024/02/gioi-dau-tu-mao-hiem-my-giu-ky-luc-300-ty-usd-tien-mat-772-1154189.htm