Một lượng tiền kỷ lục từ Trung Quốc đang chảy vào các cổ phiếu nước ngoài, khi các nhà đầu tư cảm thấy chán nản thị trường chứng khoán trong nước.

Dòng vốn chảy vào 33 quỹ ETF Trung Quốc đầu tư vào các chỉ số chứng khoán nước ngoài (trừ Hồng Kông) đã chạm mức 2 tỷ USD trong tháng 1/2024. Đây là tháng rót ròng mạnh nhất kể từ cuối năm 2020. Hơn một nửa số này chảy vào các cổ phiếu Mỹ trong bối cảnh S&P 500 liên tục lập kỷ lục mới, và 204 triệu USD vào Nhật Bản.

Lượng vốn hút ròng của các quỹ ETF đầu tư vào chứng khoán nước ngoài

Sự nhiệt thành trên đã gây ra một số méo mó trên thị trường ETF nội địa, với giá của một số chứng chỉ quỹ đã vượt 40% so với giá trị của tài sản cơ sở, đôi khi cũng bị tạm ngừng giao dịch do biến động quá lớn. Dù mức chênh với giá trị cơ bản lớn đến thế, nhưng nhà đầu tư Trung Quốc vẫn không hề ngừng bước. Vì các biện pháp kiểm soát vốn của Trung Quốc, những sản phẩm ETF này đang được săn lùng như là kênh đầu tư khả dĩ nhất để tận dụng đà tăng của thị trường nước ngoài, trong khi chứng khoán nội địa ngày càng đi xuống.

“Nhà đầu tư đang bỏ phiếu bằng chân và đó là những gì cần nói về xu hướng này”, Peng Hong, Chuyên gia quản lý quỹ tại Shenzhen Zhichang Fund Management, chia sẻ. “Đuổi theo các quỹ này ở mức premium (mức chênh so với giá trị cơ bản) là quá rủi ro, nhưng đây là cuộc chơi chọn thứ ít xấu hơn. Chứng khoán Mỹ có thể điều chỉnh và khiến bạn lỗ nặng, nhưng nếu bắt đáy chứng khoán trong nước, bạn còn lỗ nặng hơn thế”.

Dòng vốn này là một phần trong xu hướng né xa thị trường Trung Quốc, khi nhà đầu tư không còn niềm tin vào thị trường nội địa. Lượng bán ròng của các quỹ đầu tư toàn cầu tiếp tục ở mức kỷ lục tháng thứ 6 liên tiếp. Cụ thể, trong tháng 1/2024, họ đã rút thêm 14.5 tỷ Nhân dân tệ (2 tỷ USD).

Những đà tăng xuất phát từ hy vọng kích thích kinh tế chỉ kéo dài vài ngày, khi thực tế về sự ảm đạm của nền kinh tế lại “dội gáo nước lạnh” vào các nhà đầu tư. Chỉ số CSI 300 giảm xuống đáy 5 năm sau khi giảm hơn 7% từ đầu năm 2024. Chỉ 1 trong 17 công ty giao dịch ở Thượng Hải và Thâm Quyến vẫn còn lãi trong năm nay.

Tình trạng này hoàn toàn trái ngược với chuỗi tăng mạnh mẽ của các thị trường nước ngoài. Lợi nhuận doanh nghiệp cao cùng với kỳ vọng kinh tế Mỹ hạ cánh mềm (soft landing) đã giúp Phố Wall liên tục lập kỷ lục mới, còn chỉ số chứng khoán Nhật Bản dao động gần đỉnh 30 năm.

Các quỹ ETF “con cưng” của nhà đầu tư là một phần trong chương trình nhà đầu tư tổ chức nội địa đủ tiêu chuẩn của Trung Quốc, trong đó cho phép một số quỹ đầu tư mua chứng khoán nước ngoài ở một mức nhất định. Vì lượng quỹ ETF này có giới hạn nhưng nhu cầu lại quá cao nên giá của một số chứng chỉ quỹ ETF đã tăng vượt giá trị của tài sản cơ bản. Kết quả là nhà đầu tư có thể bị tác động kép nếu thị trường nước ngoài đột nhiên điều chỉnh và mức premium giảm mạnh.

Quỹ ETF theo sát chỉ số Nasdaq 100 của Invesco Great Wall Fund Management đã hút ròng 513 triệu USD trong tháng 1/2024. Giá chứng chỉ quỹ này đã tăng hơn 8% trong cùng giai đoạn, trong khi chỉ số Nasdaq 100 chỉ tăng gần 2%. Quỹ ETF theo dõi chứng khoán Đông Nam Á và cổ phiếu công nghệ của Huatai-PineBridge CSOP iEdge thu htú 426 triệu USD.

“Tâm lý bầy đàn là một chỉ báo ngược điển hình. Việc mua đuổi chứng khoán nước ngoài ở mức premium cao thế này có thể gây thiệt hại nặng nề nếu xu hướng đột ngột đảo chiều”, Chen Shi, Chuyên gia quản lý quỹ tại Shanghai Jade Stone Investment Management, chia sẻ.

https://vietstock.vn/2024/02/chan-chung-khoan-trong-nuoc-nguoi-trung-quoc-rot-2-ty-usd-vao-chung-khoan-nuoc-ngoai-773-1155044.htm