Trong số các đại xu hướng tạo sức ép khiến CEO của các doanh nghiệp lớn thế giới phải thực hiện chiến lược đổi mới, thứ nổi bật với khả năng khuếch đại tất cả xu hướng khác chính là biến đổi khí hậu.

Đây là nhận định được đưa ra trong Khảo sát CEO Toàn cầu thường niên lần 27 tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC), do Big4 kiểm toán PwC (PricewaterhouseCoopers) thực hiện.

Theo khảo sát, các hoạt động và nguồn đầu tư liên quan đến biến đổi khí hậu APAC vẫn đang diễn ra, nhưng là chưa đủ để đáp ứng những mục tiêu toàn cầu về giảm phát thải và nhiệt độ.

Các CEO trong khu vực đã bắt đầu hành động và có những tiến bộ đáng ghi nhận trong quá trình giảm phát thải carbon – với 68% đang tích cực nâng cao hiệu quả năng lượng, và 51% đang đưa ra thị trường các phát minh thân thiện với môi trường. Dẫu vậy, có khoảng 20% CEO hiện vẫn chưa áp dụng các hoạt động liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu, giải pháp dựa vào tự nhiên (NbS) hoặc các giải pháp chuyển dịch năng lượng công bằng.

Kết quả này tương đồng với các kết quả từ Báo cáo Chỉ số Kinh tế Net Zero năm 2023 cũng do PwC thực hiện tại APAC. Mặc dù khu vực đã tăng gấp đôi tốc độ giảm phát thải carbon (2.8% từ năm 2021 đến 2022), như vậy vẫn thấp hơn đáng kể so với mức cần thiết (17.2%) để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1.5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Khảo sát về các phương án có thể thực hiện để thích ứng biến đổi khí hậu của CEO châu Á – Thái Bình Dương do PwC thực hiện

Nguồn: PwC

Cách tiếp cận thụ động này cũng tương đồng với định hướng của các CEO trên toàn thế giới.

Trong cả hai trường hợp, số CEO tích hợp rủi ro khí hậu vào kế hoạch tài chính của họ ít hơn 50%, và gần 1/3 không có ý định thực hiện. Điều này có thể là do các CEO đã tính đến rủi ro khí hậu trong đánh giá bảo hiểm của họ đối với các sự kiện thời tiết cực đoan riêng lẻ, nhưng lại bỏ qua những tác động lâu dài của biến đổi khí hậu. Đây cũng có thể là kết quả của việc chỉ tập trung vào các yếu tố bên trong tổ chức, mà chưa hoàn toàn xem xét đầy đủ tính liên kết của chuỗi cung ứng.

51% CEO sẵn sàng giảm lợi nhuận để thân thiện với môi trường

Khảo sát từ PwC, những rào cản trước mắt đối với tiến trình khử carbon toàn cầu bao gồm: sự phức tạp trong quy định (63%), lợi nhuận từ các khoản đầu tư thân thiện với môi trường thấp hơn (61%) và thiếu các công nghệ thân thiện với môi trường đặc thù của ngành (59%). Đây cũng là kiến giải chung của các CEO trên toàn cầu.

Khi đánh giá các khoản đầu tư thân thiện với môi trường, 51% CEO APAC đã chấp nhận lợi nhuận thấp hơn trong năm ngoái, cao hơn 10% so với các CEO toàn cầu. Thực tế, 85% CEO trong khu vực sẵn sàng chấp nhận mức giảm dưới 6% trong tỷ lệ lợi nhuận cho các khoản đầu tư thân thiện với môi trường, so với các cơ hội khác.

Trong một thị trường lạm phát cao và chạy đua lợi nhuận, điều này rất đáng chú ý. Sự chấp nhận này có thể thúc đẩy mong muốn khám phá sâu hơn các khía cạnh liên quan đến khí hậu trong tái cấu trúc mô hình kinh doanh – và thu hút thêm nhiều khoản đầu tư để thực hiện điều đó.

Điều này phù hợp với tâm lý của các nhà đầu tư trong Khảo sát Nhà đầu tư Toàn cầu 2023 của PwC – so với các khu vực khác, nhiều CEO APAC có khả năng chấp nhận tỷ lệ ngưỡng thấp hơn, mặc dù họ không cho rằng họ cảm thấy bị ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc cực kỳ nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu hơn những CEO ở các khu vực khác.

https://vietstock.vn/2024/02/bao-nhieu-ceo-khu-vuc-apac-chap-nhan-danh-doi-loi-nhuan-voi-bien-doi-khi-hau-775-1157002.htm