Kinh tế số Đông Nam Á có thể đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030, thậm chí là gấp đôi con số này, nếu các chính phủ có chính sách tốt, nhất là cải thiện kỹ năng số cho lực lượng lao động.

Các nước Đông Nam Á đang đứng trước cơ hội phát triển kinh tế số rất lớn. Tuy nhiên thành công sẽ còn tùy thuộc vào việc khu vực này nâng cấp được kỹ năng của lực lượng lao động nhanh đến đâu, theo chủ tịch Công ty Tư vấn Quản trị Boston Consulting Group – ông Rich Lesser.

Quá trình số hóa sẽ định hình lại toàn ngành, từ những ngành công nghệ như phần mềm, viễn thông, trí tuệ nhân tạo cho đến các ngành như y tế, giáo dục, nông nghiệp - Ảnh: BBCA
Quá trình số hóa sẽ định hình lại toàn ngành, từ những ngành công nghệ như phần mềm, viễn thông, trí tuệ nhân tạo cho đến các ngành như y tế, giáo dục, nông nghiệp – Ảnh: BBCA

Bài toán kỹ năng của người lao động

BCG dự báo giá trị các ngành kinh tế số của khu vực Đông Nam Á sẽ tăng từ 300 tỷ USD hiện tại lên khoảng 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Nhưng nếu các chính phủ đưa ra chính sách hiệu quả hơn, con số này có thể lên đến 2.000 tỷ USD, ông Lesser nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với Nikkei.

Quá trình số hóa sẽ định hình lại toàn ngành, từ những ngành công nghệ như phần mềm, viễn thông, trí tuệ nhân tạo cho đến các ngành như y tế, giáo dục, nông nghiệp. Năng suất lao động trong các ngành sẽ tăng lên, đồng thời mở ra nhiều cơ hội phát triển lớn.

Cũng theo Chủ tịch Boston Consulting Group, khu vực Đông Nam Á cần phải ưu tiên việc xây dựng nguồn nhân lực để có thể tối đa hóa tiềm năng của kinh tế số. “Đông Nam Á, cũng giống như nhiều khu vực khác trên thế giới, cần phải nỗ lực đầu tư để nâng cấp kỹ năng cho lực lượng lao động hiện tại, đồng thời đưa ra chương trình đào tạo sớm kỹ năng công nghệ, kỹ thuật cho những người trẻ tuổi để họ không bỡ ngỡ khi bước vào thị trường lao động”.

Theo nhiều báo cáo phân tích khác, giới chuyên gia cũng đưa ra quan điểm tương tự về việc các nước Đông Nam Á thực sự cần phải gia tăng đào tạo kỹ năng số cho lực lượng lao động.

Kinh tế số và vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Báo cáo năm 2021 của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) khảo sát về mức độ hiểu biết về công nghệ số trong các hệ thống giáo dục Đông Nam Á cho thấy mức độ hiểu biết về số có sự khác biệt rất lớn giữa các quốc gia khác nhau.

Giáo sư ngành kinh doanh quốc tế tại đại học Thammasat ở Bangkok, ông Pavida Pananond, khẳng định: “Việc nâng cấp kỹ năng số trong lực lượng lao động là trách nhiệm của cả chính phủ và lĩnh vực tư nhân”.

ASEAN giờ đây là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng với Trung Quốc nói riêng và phần còn lại của thế giới nói chung, trong bối cảnh giới doanh nghiệp và các quốc gia đang tìm cách xây dựng các chuỗi cung ứng đa dạng hơn. Chủ tịch BCG nhận định việc mở rộng nền kinh tế số ở ASEAN sẽ củng cố vị thế của khối này trong nền kinh tế toàn cầu trong 10 năm tới.

Theo nghiên cứu khác của Nikkei, giá trị thị trường của các công ty công nghệ và các nhà cung cấp thiết bị điện tử ở khu vực Đông Nam Á đã tăng lên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, trong khi các doanh nghiệp trụ cột khác lại sa sút.

Những doanh nghiệp này tập trung ở sáu nền kinh tế chính gồm Thái Lan, Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia và Việt Nam.

Delta Electronics ở Thái Lan là một công ty con của tập đoàn Delta Electronics của Đài Loan đã chứng kiến vốn hóa thị trường tăng gấp 18 lần kể từ cuối năm 2019, lên 41,1 tỷ USD. Từ vị trí thứ 134 trong năm 2019, hãng sản xuất hàng công nghệ này đã vươn lên thứ 2 trong số các công ty Đông Nam Á được khảo sát, vượt trội hẳn so với những doanh nghiệp vốn có lịch sử hoạt động lâu đời như tập đoàn CP hàng đầu Thái Lan.

Để đối phó với những bất đồng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Delta Electronics đã chuyển trọng tâm sản xuất linh kiện điện tử từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á, và giờ đang được kỳ vọng nắm bắt được nhu cầu từ ngành công nghiệp xe điện.

https://vietstock.vn/2024/03/quy-mo-kinh-te-so-dong-nam-a-co-the-dat-1000-ty-usd-775-1168170.htm