Giá dầu tăng hơn 1 USD/thùng vào ngày thứ Năm (28/03), sau khi giàm 2 phiên liên tiếp, nhờ triển vọng nguồn cung do liên minh sản xuất OPEC+ dự kiến sẽ duy trì lộ trình cắt giảm sản lượng hiện tại.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/03, hợp đồng dầu Brent tiến 1.39 USD (tương đương 1.61%) lên 87.48 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 1.82 USD (tương đương 2.24%) lên 83.17 USD/thùng. Cả 2 hợp đồng dầu đều tăng hơn 2% trong tuần này và ghi nhận tháng tăng thứ 3 liên tiếp.

Trong phiên trước, giá dầu đã chịu áp lực từ sự gia tăng bất ngờ trong tuần trước của dự trữ dầu thô và xăng tại Mỹ, do nhập khẩu dầu thô tăng và nhu cầu xăng chậm chạp, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).

Tuy nhiên, sự gia tăng dự trữ dầu thô nhỏ hơn mức tăng do Viện Xăng dầu Mỹ (API) dự báo và các chuyên gia phân tích lưu ý mức tăng thấp hơn dự báo một thời gian nữa trong năm.

Chuyên gia phân tích Bjarne Schieldrop SEB cho biết: “Chúng tôi dự báo dự trữ tại Mỹ tăng thấp hơn bình thường do thị trường dầu toàn cầu đang thâm hụt nhẹ. Điều này có thể sẽ hỗ trợ giá dầu Brent trong tương lai”.

Tỷ lệ sử dụng nhà máy lọc dầu, tăng 0.9 điểm phần trăm trong tuần, cũng hỗ trợ giá dầu.

Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ tăng nhanh hơn dự báo trước đó trong quý 4/2023. GDP tại Mỹ đã tăng 3.4% so với cùng kỳ năm trước và tăng so với mức 3.2% được báo cáo trước đó.

Dữ liệu lạm phát cũng khẳng định khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn việc hạ mục tiêu lãi suất ngắn hạn, một thống đốc Fed cho biết vào ngày 27/03, nhưng ông không loại trừ khả năng hạ lãi suất vào cuối năm nay. Lãi suất thấp hơn thường hỗ trợ nhu cầu dầu.

Nhà đầu tư sẽ theo dõi các tín hiệu từ cuộc họp vào tuần tới của Uỷ ban Giám sát chung Bộ trưởng của nhóm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Rủi ro địa chính trị gia tăng cũng làm tăng kỳ vọng về khả năng gián đoạn nguồn cung, tuy nhiên, OPEC+ khó có thể thực hiện bất kỳ thay đổi nào về chính sách sản lượng dầu cho đến cuộc họp cấp bộ trưởng đầy đủ vào tháng 6/2024.

Các cuộc tấn công của Ukraine vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga cũng thúc đẩy tâm lý xung quanh việc nguồn cung dầu thô toàn cầu khan hiếm và giúp hỗ trợ giá dầu.

https://vietstock.vn/2024/03/dau-tang-hon-1-usdthung-truoc-trien-vong-nguon-cung-khan-hiem-hon-34-1170136.htm