Mối đe dọa lớn nhất với thị trường dầu mỏ toàn cầu

Giá dầu giảm mạnh vào tuần trước khi có thông tin Trung Quốc gia hạn phong tỏa thành phố Thành Đô để chống dịch COVID-19. Điều này một lần nữa cho thấy khả năng những thông tin tương tự có thể khiến giá dầu sụt giảm đột ngột trên thị trường đang bấp bênh cả về cung và cầu.

Theo trang oilprice.com, là nhà nhập khẩu dầu thô hàng năm lớn nhất trên thế giới, vượt cả Mỹ về mặt này vào năm 2017, Trung Quốc từ lâu đã trở thành lực hỗ trợ toàn cầu cho thị trường dầu. Trong giai đoạn 2000 và 2014, Trung Quốc gần như một mình tác động tới siêu chu kỳ định giá hàng hóa.

Các đợt phong tỏa chống COVID-19 nghiêm ngặt ở Trung Quốc đã có ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể đến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, từ đó ảnh hưởng đến nhu cầu dầu của nước này.

Mới đây nhất, Thành Đô đã áp dụng biện pháp phong tỏa từ ngày 1/9 sau khi phát hiện các ca mắc mới COVID-19 và là thành phố lớn nhất Trung Quốc áp dụng các biện pháp hạn chế phòng dịch kể từ đầu năm nay. Theo kế hoạch, biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ sau ngày 7/9 nhưng chiều cùng ngày, giới chức thành phố đánh giá vẫn tồn tại nguy cơ dịch bệnh ở một số khu vực.

Sau khi có thông tin Thành Đô tiếp tục bị phong tỏa, trong phiên giao dịch 7/9, giá dầu thế giới giảm mạnh. Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 4,83 USD xuống 88 USD/thùng, ghi dấu lần đầu tiên kể từ ngày 8/2 giá dầu giao dịch dưới mốc 90 USD/thùng; còn giá dầu ngọt nhẹ New York (WTI) giảm 4,94 USD (5,7%) xuống 81,94 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 1.

Chính sách phòng chống COVID-19 của Trung Quốc đã làm gia tăng lo ngại về nhu cầu. Thống kê từ hải quan cho thấy trong tháng 8, nhập khẩu dầu thô của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã giảm 9,4% so với cùng kỳ năm trước.

Không có dấu hiệu nào cho thấy chính sách chống COVID-19 nghiêm ngặt như trên sẽ sớm thay đổi về cơ bản

Hồi cuối tháng 7, chính sách phòng chống COVID-19 của Trung Quốc đã khiến các nhà phân tích giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này và hệ quả là giá dầu giảm.Hai trong số các nhà phân tích chính xác nhất về Trung Quốc trong những năm gần đây là Eugenia Fabon Victorino (Giám đốc Chiến lược châu Á của công ty SEB) và Rory Green (Giám đốc nghiên cứu về Trung Quốc và châu Á của công ty TS Lombard) đã hạ ước tính tăng trưởng GDP Trung Quốc vào đầu năm nay.

Họ lại tiếp tục hạ dự báo lần nữa. SEB cho rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay chỉ ở mức 3,5%và TS Lombard ước tính ở mức 2,5%.

Bà Victorino từng nhận định: “Chính quyền địa phương ở Trung Quốc vẫn sẽ dập các đợt bùng phát dịch bệnh trong nước càng sớm càng tốt bằng các chính sách xét nghiệm rộng rãi, truy vết tiếp xúc và cách ly. Mặc dù phong tỏa toàn thành phố là biện pháp cuối cùng, nhưng chính sách xét nghiệm định kỳ và thường xuyên ở các thành phố lớn sẽ làm gia tăng tâm lý sợ hãi”.

Ông Green cũng nhận định: “Kết hợp nhiều yếu tố cho thấy khó có khả năng Trung Quốc chấm dứt các biện pháp phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt trong năm nay”.

Chỉ hơn một tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã vào cuộc để tìm cách giảm bớt áp lực kinh tế tiêu cực đang hình thành trong một số lĩnh vực. Ngân hàng này đã cắt giảm các mức lãi suất chính sách khác nhau.

PBOC đã gây ngạc nhiên cho thị trường khi giảm 10 điểm cơ bản đối với lãi suất khoản vay trung hạn 1 năm và lãi suất mua lại đảo ngược 7 ngày. PBOC còn cắt giảm gấp đôi lãi suất cơ bản cho vay 5 năm.

Theo nhận định của chuyên gia, khả năng tiếp tục xảy ra các cú sốc giá dầu liên quan đến các đợt phong tỏa ở Trung Quốc trong vài tuần tới là cao, nhất là khi kỳ nghỉ Tết Trung thu bắt đầu vào ngày 10/9 và Tuần lễ vàng (kết hợp với ngày Quốc khánh Trung Quốc) bắt đầu vào ngày 1/10. Nhu cầu đi lại cao khiến Chính phủ Trung đã cảnh báo người dân không nên di chuyển trong những ngày lễ này để tránh lây lan COVID-19.