Dầu quay đầu giảm khi nhà đầu tư tiến hành chốt lời

Giá dầu giảm trong phiên biến động ngày thứ Tư (29/3), khi nhà đầu tư chốt lời sau 2 phiên tăng liên tiếp, và khi thị trường mâu thuẫn về tình trạng khan hiếm nguồn cung.

 

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu Brent mất 32 xu (tương đương 0.4%) còn 78.33 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI lùi 11 xu (tương đương 0.1%) xuống 73.09 USD/thùng.

Về vấn đề nguồn cung, những lo ngại về nguồn cung khan hiếm sau khi dự trữ dầu thô tại Mỹ bất ngờ giảm và một số hoạt động xuất khẩu dầu khô từ khu vực Kurdistan của Iraq bị tạm dừng đã được bù đắp bởi việc cắt giảm sản lượng ít hơn dự kiến ở Nga.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm trong tuần trước, do các nhà máy lọc dầu tăng cường hoạt động sau mùa bảo dưỡng và nhập khẩu của Mỹ suy giảm.

Dữ liệu của EIA cũng cho thấy dự trữ xăng giảm mạnh hơn dự báo, cho thấy nhu cầu mạnh mẽ khi bước vào thời điểm mùa hè.

Thông tin về đà giảm bất ngờ của dự trữ dầu thô tại Mỹ được đưa ra cùng với việc ngừng xuất khẩu dầu thô 450,000 thùng/ngày từ khu vực bán tự trị phía bắc Kurdistan của Iraq sau khi nước này thắng kiện.

Công ty dầu mỏ Na Uy DNO cho biết họ đã bắt đầu ngừng sản xuất tại các mỏ ở Kurdistan. Các mỏ Tawke và Peshkabir của công ty đạt sản lượng trung bình 107,000 thùng/ngày trong năm 2022, chiếm 25% tổng xuất khẩu dầu của khu vực người Kurd.

Tại Mỹ, hoạt động dầu khí bị đình trệ trong quý đầu tiên do sản lượng tăng chậm lại và triển vọng của các công ty khai khoáng trở nên tiêu cực, một cuộc khảo sát do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khu vực Dallas công bố cho thấy.

Tuy nhiên, những lo ngại về nguồn cung đã giảm bớt khi có báo cáo rằng sản lượng dầu của Nga giảm khoảng 300,000 thùng/ngày trong 3 tuần đầu tiên của tháng 3/2023, thấp hơn so với mức mục tiêu cắt giảm 500,000 thùng/ngày.

Trong khi đó, thị trường cũng chờ đợi sự rõ ràng về cuộc khủng hoảng ngân hàng và kế hoạch nâng lãi suất của Fed. Giá dầu đã trượt dốc xuống mức thấp nhất trong 15 tháng vào ngày 20/3/2023 sau khi các thị trường tài chính toàn cầu bị chao đảo trong những tuần gần đây khi nhà đầu tư chùn bước trước vụ phá sản của 2 ngân hàng Mỹ và việc giải cứu Credit Suisse.

Đồng USD tăng so với các đồng tiền chủ chốt khác, tạm dừng đà suy giảm gần đây. Đồng USD mạnh hơn làm giảm nhu cầu dầu vì dầu thô trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua nắm giữ đồng tiền khác.

https://vn.investing.com/news/commodities-news/dau-quay-dau-giam-khi-nha-dau-tu-tien-hanh-chot-loi-2022271