Giá dầu tiếp tục tăng mạnh vào ngày thứ Ba (04/10), khi kỳ vọng rằng OPEC+ có thể thống nhất cắt giảm một lượng lớn sản lượng dầu thô khi nhóm họp vào ngày thứ Tư (05/10) đã lấn át những lo ngại về nền kinh tế toàn cầu.

 

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu Brent tiến 2.83 USD (tương đương 3.18%) lên 91.69 USD/thùng, sau khi tăng hơn 4% trong phiên trước đó.

Hợp đồng dầu WTI cộng 2.74 USD (tương đương 3.28%) lên 86.37 USD/thùng. Hợp đồng này đã vọt hơn 5% trong phiên trước đó, ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2022.

Giá dầu đã tăng vào ngày thứ Hai (03/10) do lo ngại mới về nguồn cung khan hiếm. Nhà đầu tư dự báo Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được gọi chung là nhóm OPEC+, sẽ cắt giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng/ngày trong cuộc họp trực tiếp đầu tiên kể từ năm 2020 vào ngày thứ Tư.

Nguồn tin OPEC cho biết, việc cắt giảm tự nguyện của các thành viên riêng lẻ có thể là nguyên nhân đẫn đến mức cắt giảm mạnh mạnh nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Chuyên gia phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda nhận định: “Bất chấp mọi thứ đang diễn ra với cuộc chiến ở Ukraine, OPEC+ chưa bao giờ hạnh động mạnh như thế này và họ sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để đảm bảo giá được hỗ trợ tại đây”.

OPEC+ đã tăng sản lượng trong năm nay sau khi cắt giảm sản lượng kỷ lục vào năm 2020 do nhu cầu sụt giảm vì đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, tổ chức này đã không đạt được mức tăng sản lượng như kế hoạch, không đạt đến 3.6 triệu thùng/ngày trong tháng 8/2022.

Goldman Sachs (NYSE:GS) cho biết việc cắt giảm sản lượng đang được cân nhắc do giá dầu đã giảm mạnh từ các mức đỉnh.

Lo ngại về nền kinh tế toàn cầu đã kìm hãm đà tăng, khi nhà đầu tư cũng tìm cách chốt lời trước những khoản lãi đạt được trong phiên trước đó.

Giá dầu đã giảm 4 tháng liên tiếp khi các lệnh phong toả Covid-19 ở quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu Trung Quốc đã hạn chế nhu cầu, trong khi lãi suất và đồng USD cao gây áp lực lên các thị trường tài chính toàn cầu. Các ngân hàng trung ương lớn đã bắt tay vào nâng lãi suất mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ, làm dấy lên lo ngại về sự suy thoái kinh tế toàn cầu.