Cơn sốt vàng diễn ra trong bối cảnh các nước đẩy mạnh nỗ lực giảm phụ thuộc vào đồng USD. Thế giới nhiều bất ổn cũng đẩy nhu cầu lên cao.

Theo báo cáo mới nhất của Hội đồng vàng thế giới (World Gold Council – WGC), các NHTW trên toàn thế giới đang ồ ạt mua vàng, trong đó Trung Quốc dẫn đầu cuộc đua.

 

Cơn sốt vàng diễn ra trong bối cảnh từ đầu năm nay các quốc gia đã liên tục cố gắng đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại hối, giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Đặc biệt, một số nước đã đẩy mạnh các giao dịch thương mại phi đôla hóa, sử dụng nội tệ làm đồng tiền thanh toán.

Báo cáo của WGC cho thấy các NHTW đã mua hơn 300 tấn vàng trong quý III và hơn 800 tấn kể từ đầu năm đến nay, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng Trung Quốc đã chiếm tới 181 tấn. Tổng cộng hiện NHTW Trung Quốc đang nắm trong tay 2.192 tấn kim loại quý.

Lượng vàng được mua vào trong quý III là cao nhất trong năm 2023 – năm mà nhu cầu vàng bùng nổ.

 

Lượng vàng mà các NHTW mua vào trong các quý. Nguồn: Hội đồng vàng thế giới/Blooomberg.

Nhằm trừng phạt Nga sau khi nước này đưa quân tới Ukraine, Mỹ đã tận dụng sức mạnh của đồng bạc xanh để cấm vận Nga, loại các ngân hàng của nước này ra khỏi hệ thống thanh toán SWIFT và đóng băng hàng tỷ USD tài sản của Nga ở nước ngoài. Điều này khiến nhiều nước chú ý và cố gắng đa dạng hóa để không phụ thuộc quá nhiều vào đồng USD.

 

Trung Quốc dẫn đầu

Trong đó, Trung Quốc lâu nay vẫn là nước đi đầu trong phong trào phi đôla hóa. Nước này đã tích cực thúc đẩy các giao dịch hoán đổi tiền tệ cũng như các thỏa thuận sử dụng nhân dân tệ làm đồng tiền thanh toán. Ngoài ra Bắc Kinh còn giảm mạnh số lượng trái phiếu kho bạc Mỹ mà họ đang nắm giữ.

Ngoài ra, cơn khát vàng còn đến từ những lý do khác. Vàng vẫn được coi là 1 tài sản an toàn bởi vì giá trị của nó khá ổn định trong dài hạn. Vì thế, nhà đầu tư sẽ tăng cường tích trữ vàng trong những thời điểm thế giới bất ổn (ví dụ chiến tranh hay suy thoái) để tự bảo vệ mình trước lạm phát hoặc đồng tiền mất giá.

Trung Quốc chính là ví dụ. Lực cầu mạnh mẽ xuất phát từ những nguyên nhân như đồng nhân dân tệ suy yếu, lĩnh vực bất động sản khủng hoảng và thị trường chứng khoán cũng giảm sâu trong bối cảnh kinh tế giảm tốc.

WGC nhận định, nhu cầu vàng của Trung Quốc sẽ càng tăng lên nếu như PBOC tiếp tục tích trữ vàng trong dự trữ ngoại hối, nối dài đà mua vốn đang là dài nhất từ trước đến nay. Tết nguyên đán 2024 đến trễ hơn mọi năm có thể khiến một phần lực cầu bị trì hoãn sang quý I năm sau.

Và không chỉ Trung Quốc, năm 2023 rất nhiều đồng tiền phải đối mặt với lạm phát leo thang khiến sức mua giảm sút. Đồng USD mạnh lên đồng nghĩa tiền tệ của các nước khác mất giá. Điều này thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu về vàng.

Gần đây, xung đột ở Trung Đông đã đẩy giá vàng tăng 10% chỉ trong 2 tuần. Giá vàng giao ngay đã chạm ngưỡng 2.000 USD/ounce vào thứ 6 tuần trước, mức cao nhất kể từ giữa tháng 5.

Giá Bitcoin tăng điên cuồng, một “cá mập” về bờ sau hơn 3 năm gồng lỗ

https://vn.investing.com/news/world-news/tiet-lo-danh-tinh-ca-map-vua-gom-hon-300-tan-vang-gay-xon-xao-2058816