Tổng Giám đốc WTO dự báo Hội nghị Bộ trưởng đầu tiên sau 2 năm sẽ gặp nhiều thách thức do “những cơn gió ngược về kinh tế và chính trị” như xung đột ở Ukraine, căng thẳng tại Biển Đỏ…

Biểu tượng của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tại trụ sở ở Geneva, Thuỵ Sĩ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 26/2, Hội nghị cấp bộ trưởng lần thứ 13 của Tổ chức Thương mại Thế giới (MC13) đã khai mạc tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Đây là hội nghị đầu tiên sau 2 năm, dự kiến diễn ra cho đến ngày 29/2, với các chủ đề về đánh bắt cá, nông nghiệp và thương mại điện tử…

Tổng Giám đốc WTO, bà Ngozi Okonjo-Iweala dự báo cuộc họp sẽ gặp nhiều thách thức do “những cơn gió ngược về kinh tế và chính trị,” như xung đột ở Ukraine, căng thẳng tại Biển Đỏ, lạm phát, giá lương thực tăng và những khó khăn kinh tế trên toàn cầu.

Tại cuộc họp cấp bộ trưởng gần đây nhất của WTO ở Geneva (Thụy Sĩ) vào tháng 6/2022, các bộ trưởng thương mại đã đạt được một thỏa thuận lịch sử cấm trợ cấp thủy sản có hại cho sinh vật biển và đồng ý miễn trừ bằng sáng chế tạm thời đối với vaccine ngừa COVID-19, đồng thời cam kết thiết lập lại hệ thống giải quyết tranh chấp mà Washington đã tạm dừng vào năm 2019 sau nhiều năm ngăn chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán mới cho tòa phúc thẩm của WTO.

Tuy nhiên, Ủy viên Thương mại châu Âu, ông Valdis Dombrovskis nhận định sẽ rất khó để lặp lại thành công của hội nghị năm 2022, các cuộc đàm phán về cải cách giải quyết tranh chấp và một số nội dung trong văn kiện cuối cùng có thể cũng sẽ gặp nhiều thách thức.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 25/2, các nước sản xuất bông ở châu Phi đã kêu gọi WTO tìm giải pháp chấm dứt tình trạng cạnh tranh thiếu công bằng trong hoạt động mua bán bông, bắt nguồn từ chính sách trợ cấp của các nước như Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc.

Lời kêu gọi được các nước C4 (bao gồm Benin, Burkina Faso, Mali và Chad) đưa ra ngay trước thềm hội nghị cấp bộ trưởng của WTO.

Phát biểu với báo giới tại Abu Dhabi, thay mặt các nước C4, Bộ trưởng Công thương Chad, ông Ahmat cho biết chính sách trợ cấp bông trong 20 năm qua đã “bóp méo” thị trường và ảnh hưởng tới cuộc sống hàng triệu người sản xuất bông ở châu Phi.

Bên cạnh việc kêu gọi chấm dứt trợ cấp giá bông, nhóm C4 cũng đề nghị các nước liên quan bồi thường thiệt hại, đồng thời loại bỏ bông ra khỏi hồ sơ nông nghiệp nhằm thúc đẩy các cuộc thảo luận riêng về vấn đề này.

Để chuẩn bị cho hội nghị, Côte d’Ivoire cùng nhóm C4 đã đệ trình dự thảo nghị quyết về ngành bông lên WTO.

Tuy nhiên dự thảo chưa được quan tâm thích đáng, mặc dù ngành bông trị giá 2 tỷ USD, sử dụng hơn 20 triệu lao động, đóng vai trò rất quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực và tạo ra việc làm ở khu vực này.

Vấn đề nông nghiệp được dự báo khó đạt được tiến triển trong cuộc họp của WTO khi vấp phải sự phản đối quyết liệt từ một số nước do lo ngại các đề xuất sẽ làm gián đoạn thị trường thực phẩm toàn cầu./.

https://vietstock.vn/2024/02/hoi-nghi-bo-truong-wto-truoc-nhung-con-gio-nguoc-ve-kinh-te-va-chinh-tri-775-1158716.htm